Người tiêu dùng tẩy chay cam Thái Lan

(Theo Vnexpress.net)

Ngay khi biết thông tin cam Thái Lan có chứa hóa chất độc hại ethion, một loại thuốc bảo vệ thực vật có độc tố cao, người tiêu dùng lập tức loại trái cây này ra khỏi danh mục hoa quả dùng cho gia đình hàng ngày.

Quầy bán hoa quả của chị Thuỷ ở đầu đường Giảng Võ, Hà Nội từ hôm qua dù có nhiều người qua lại mua hàng bình thường, song tuyệt nhiên loại cam vàng dán nhãn Thái Lan không được ai hỏi thăm.

Tám năm kinh doanh hoa quả, chị Thuỷ chẳng xa lạ với các tin tức liên quan đến các chất bảo quản rồi độc tố chứa trong trái cây. Hàng đã nhập về vẫn phải bày ra bán, không có người mua thì lại đem cất vào. Chị định bụng bán hết số hàng đã nhập rồi chờ kết quả kết luận của cơ quan chức năng xem thực hư ra sao.

“Thấy người ta khuyến cáo thì đến mình cũng chẳng dám ăn nói chi là người mua”, chị nói.

Người tiêu dùng tỏ ra cận trọng trong việc lựa chọn hoa quả cho gia đình. Ảnh: Nhật Minh.

Chưa hoàn hồn sau cú sốc sữa có chứa chất melamine gây sỏi thận, chị Hằng ở Hào Nam, Hà Nội cho hay, từ sáng nay chị đã bỏ loại cam Thái Lan ra khỏi thực đơn của gia đình, mặc dù ông xã và hai cậu con trai rất thích ăn loại cam này. Thay vào đó, chị chuyển sang mua cam sành, cam Hà Giang, Hưng Yên hoặc các loại quýt.

“Người ta khuyến cáo mà vẫn cứ ăn khác nào biết chết mà vẫn cứ đâm đầu vào”, chị Hà nói. Theo chị, chuyện thực phẩm, hoa quả được bảo quản bằng chất nọ chất kia các phương tiện thông tin đã nói nhiều nhưng cái gì được khuyến cáo thì mới “tẩy chay”. Còn nếu mà cẩn thận, kiêng khem thì chỉ có bưởi, cam và các loại hoa quả bóc vỏ, có múi thì mới coi là an toàn.

Chị Phương ở Tây Sơn Hà Nội thì cho biết lâu nay chị toàn sử dụng các loại quả của Việt Nam, nếu là cam thì cam Hà Giang, táo thì loại táo mèo quả nhỏ, bưởi thì cứ là Diễn hoặc Năm Roi. Chính vì thế mà dù cam Thái được coi là loại quả ngon nhưng chị không mấy khi mua. “Nhìn màu da cứ vàng ươm, ăn thì thấy ngọt lịm và giòn bản thân mình cũng cứ thấy nghi nghi như không phải vị tự nhiên. Do vậy, từ lâu tôi xếp loại quả này vào diện hạn chế mua”, chị Phương cho biết.

Tại TP HCM, cam Thái Lan không được bày bán nhiều ở các chợ vì mùa của loại trái cây này vào tháng 6. Theo anh Trần Văn Xuân, chủ sạp trái cây chợ Thái Bình, vị ngọt của cam Thái không đậm đà và nhiều nước như cam Mỹ, màu vàng nhạt chứ không rực rỡ, quả to, tròn, da láng mịn, không cuống. Giá mọi năm bán khoảng 30.000 đồng mỗi kg.

Còn tại các siêu thị ở TP HCM như Co.op mart, Big C, Siêu thị Sài Gòn… trong danh mục hoa quả bày bán tuyệt nhiên không có loại cam Thái Lan.

Thị trường Sài Gòn hiện chỉ bày bán nhiều quýt Thái Lan.

Theo bác sĩ Trần Văn Ký, Hội khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, các loại trái cây ở những nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan truy nguồn gốc hơi khó. Ngoại trừ những thùng hàng vừa nhập khẩu và được kiểm tra ngay, có xác nhận hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc rõ ràng. Còn khi tung ra thị trường, cả người bán và người mua không thể biết chính xác đó có phải là cam Thái Lan. Theo bác sĩ Ký, ethion là một loại thuốc bảo vệ thực vật có độc tố cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người nếu dùng phải.

Malaysia vừa ra lệnh cấm nhập khẩu cam của Thái Lan do phát hiện có dư lượng cao chất Ethion. Hiện Việt Nam cũng cấm sử dụng chất này và đang xác nhận độ chính xác của thông tin trên.

Hồng Anh – Bạch Hường